Từ tháng 6/2020 đến nay, mình gặp rất nhiều hồ sơ bảo lãnh nhận thư yêu cầu bổ sung bằng chứng (Request for evidence RFE) với nhiều lý do khác nhau. Đa phần, các bạn đã chờ đợi từ 3 đến 5 năm, thậm chí 8 năm (hồ sơ F4 ) để hồ sơ được xét tới; thế mà lại bị bổ sung chứ không chấp thuận vì một số nguyên nhân đã xảy ra lúc làm hồ sơ.
Tùy thuộc vào mối quan hệ trong hồ sơ bảo lãnh mà lý do Sở di trú yêu cầu bổ sung bằng chứng sẽ khác nhau.
Những nguyên nhân khiến hồ sơ bị kêu bổ sung bằng chứng như sau:
1. Với quan hệ thân nhân ruột thịt:
-Khai sinh của người được bảo lãnh hoặc người bảo lãnh đăng ký trễ. Ví dụ, hồ sơ con bảo lãnh cho mẹ, người con sinh năm 1974 nhưng trên khai sinh năm đăng ký với chính quyền là 1980 (có thể vì lý do năm 1974 Việt Nam vẫn chưa hòa bình nên người mẹ sau khi sinh con đã không kịp thời đăng ký khai sinh mãi đến 6 năm sau mới đi đăng ký). Đối với luật di trú Hoa Kỳ, việc đăng ký khai sinh trễ là mối nghi ngờ hàng đầu về quan hệ ruột thịt.
-Thông tin không khớp giữa các giấy tờ. Ví dụ trên giấy khai sinh, ngày tháng năm sinh của người con là 1 tháng 1 năm 1975, trong khi Hộ khẩu hoặc sổ gia đình công giáo ghi ngày tháng sinh của người con 6 tháng 12 năm 1974 (ví dụ lấy ngày theo âm lịch)
-Thiếu giấy tờ, ví dụ: Không nộp hôn thú của cha mẹ trong bộ hồ sơ con bảo lãnh cho cha và mẹ; hoặc không nộp giấy đổi tên của người bảo lãnh.
– Bản dịch không khớp thông tin điền trên đơn bảo lãnh. Ví dụ: ngày tháng năm sinh của người con trên đơn I-130 là 18 tháng 2 năm 1975 nhưng trên bản dịch sang tiếng Anh giấy khai sinh của người con lại ghi ngày tháng sinh là 18 tháng 3 năm 1975.
– Giấy tờ nộp đã hết hạn hoặc không đầy đủ, ví dụ đơn I-130 bị hết hạn (bạn dùng đơn phiên bản cũ) hoặc hộ chiếu Hoa Kỳ đã hết hạn; người bảo lãnh không ký tên trong đơn I-130 hoặc chỉ nộp mặt trước của thẻ xanh.
– Sở di trú muốn cập nhật giấy tờ, ví dụ: mẹ có thẻ xanh 2 năm bảo lãnh con độc thân trên 21 tuổi (F2B); sau 4 năm chờ đợi, đến lúc xét hồ sơ thẻ xanh của người mẹ đã hết hạn nên sở di trú yêu cầu người mẹ gửi bổ sung thẻ xanh 10 năm hoặc bằng quốc tịch (nếu đã nhập tịch).
2. Với quan hệ hôn nhân/con kế:
– Không nộp đủ giấy tờ, ví dụ: không nộp hình thẻ, không nộp giấy chứng minh hôn nhân trước của người được bảo lãnh đã kết thúc (ly hôn, chứng tử); hoặc thiếu đơn I-944 về gánh nặng xã hội, thiếu đơn bảo trợ I-864 đối với hồ sơ xin thẻ xanh 2 năm (I-485).
-Khai sinh người được bảo lãnh đăng ký trễ. Tương tự như diện bảo lãnh thân nhân ruột thịt, khi một người đăng ký khai sinh trễ, sở di trú có quyền nghi ngờ về tính chân thật của khai sinh đó.
-Thiếu bằng chứng chứng minh mối quan hệ, ví dụ hồ sơ diện hôn phu/hôn thê (K1), bắt buộc có bằng chứng gặp mặt trong vòng 2 năm kể từ lúc mở hồ sơ. Nếu bạn không nộp, sẽ bị yêu cầu bổ sung; hoặc hồ sơ kết hôn nộp thiếu hình cưới, thiếu tin nhắn liên lạc.
– Bằng chứng có sự không khớp nhau. Ví dụ, hồ sơ xin thẻ xanh 10 năm (I-751), địa chỉ trên bank statement khác với địa chỉ ở hiện tại trên bằng lái xe và địa chỉ khai thuế.
Lời kết: Trên đây chỉ nêu ra những lý do mình thường gặp, trong khi đó còn những lý do “ngặt nghèo” khác cũng bị yêu cầu bổ sung bằng chứng, ví dụ hình thẻ sai phông nền (thay vì nền màu trắng lại nộp hình nền xanh dương) hoặc hồ sơ con bảo lãnh cha mẹ, người con vừa thi đậu quốc tịch và nhận bằng thì nộp ngay hồ sơ mà quên chưa ký tên vào bằng quốc tịch.
Vì vậy, dù tự làm hồ sơ hay nhờ dịch vụ, các bạn nên kiểm tra hồ sơ kỹ lưỡng trước khi nộp để tránh việc mất tiền và thời gian đáng quý. Nếu có kinh phí hãy nhờ đến sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong lĩnh vực di trú.
Hỗ trợ di trú Trinh Lê
Phone VN: 0384360546 (viber hoặc zalo)
Phone US: 909-999-8508
Facebook: https://www.facebook.com/vocal.plus.1