Nhận giấy xanh phải làm thế nào?

Giấy xanh là hai từ mà không ai muốn trả lời khi được hỏi về kết quả của buổi phỏng vấn tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Đây là thông báo cho biết nhân viên Lãnh sự chưa đồng ý cấp visa cho đến khi nào bạn bổ sung đầy đủ các mục được yêu cầu. Trước buổi phỏng vấn, bạn đã thao thức nhiều đêm không ngủ được vì lo lắng cho ngày trọng đại. Sau buổi phỏng vấn và cầm tờ giấy xanh trên tay, bạn càng hoang mang, thậm chí giấy xanh diện hôn nhân bao gồm gần mười mục yêu cầu với chi chít chữ khiến nhiều bạn lâm vào khủng hoảng tinh thần một vài tuần sau đó.

Thế nhưng, Jane khẳng định nhận giấy xanh chưa phải là dấu chấm hết cho hồ sơ định cư Mỹ. Còn được phép bổ sung là bạn còn cơ hội.

Có hai loại giấy xanh: R-1 và R2-A.

Bài viết này, Jane chia sẻ cách xử lý với từng loại giấy xanh. Bài viết trình bày chi tiết nên khá dài, các bạn cùng theo dõi nhé.

  1. Giấy xanh R-1: về cơ bản, mối quan hệ của bạn đã được viên chức Lãnh sự tin tưởng, hồ sơ của bạn còn thiếu một số giấy tờ trong bộ tài chính hoặc giấy tờ dân sự hết hạn cần làm mới hoặc chưa có kết quả khám sức khỏe. Công việc bổ sung giấy xanh R-1 đơn giản là thủ tục hành chính và không khiến bạn đau đầu nhức óc nhiều.

-Liên quan đến bảo trợ tài chính: Lãnh sự yêu cầu bạn tìm người đồng bảo trợ vì thu nhập của người bảo lãnh không đủ, hoặc bạn đã nộp thiếu giấy tờ chứng minh tình trạng cư trú của người bảo lãnh (bằng quốc tịch/thẻ xanh) hoặc thiếu đơn bảo trợ I-864 hoặc bạn bổ sung con đi kèm nhưng trong đơn I-864 đã nộp tại NVC không có tên của người con này. Việc của bạn cần đọc kỹ yêu cầu của lãnh sự cũng như kết hợp với hướng dẫn đã được nghe từ nhân viên phỏng vấn để hoàn tất giấy tờ.

-Liên quan đến giấy tờ dân sự: Lý lịch tư pháp số 2 hoặc giấy xác nhận độc thân đều có thời hạn. Vì vậy, cần kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ trước ngày phỏng vấn để tránh mất thời gian vì những thiếu sót không đáng.

-Liên quan đến kết quả khám sức khỏe: Nếu bạn bị thử đàm (nghĩa là nghi ngờ bị lao phổi) thì phải kết thúc thời gian kiểm tra mới nhận được kết quả. Thông thường 8-10 tuần kể từ ngày lấy mẫu đàm lần cuối.

-Lý do khác: diện F3 người bảo lãnh (NBL) lớn tuổi cần chứng minh còn khỏe mạnh tại thời điểm thân nhân tham dự phỏng vấn, bằng cách chụp hình NBL thấy rõ khuôn mặt và cầm tờ báo xuất bản gần ngày phỏng vấn. Một số bạn không nộp hình NBL cầm tờ báo thì cũng bị giấy xanh.

2. Giấy xanh R2-A: về cơ bản, viên chức lãnh sự không tin tưởng mối quan hệ giữa bạn và người bảo lãnh là thật dựa vào những bằng chứng trước đó và những gì bạn cung cấp trong buổi phỏng vấn. Nhiệm vụ của bạn phải chứng minh sự nghi ngờ của viên chức lãnh sự là sai. Bạn sẽ mất nhiều thời gian và đầu tư công sức hơn so với giấy xanh R-1. Công việc của bạn sẽ khó khăn và cần sự phối hợp của cả người bảo lãnh và người được bảo lãnh để đảm bảo sự thống nhất trong lời khai.

Sau đây là 8 mục thường gặp trong bảo lãnh vợ chồng

Một, NBL tường trình thông tin của chồng cũ/ vợ cũ

Liệt kê thông tin những người chồng/vợ cũ hoặc Cha/Mẹ ruột của các con riêng (nếu có), bao gồm: Họ tên, Ngày tháng năm sinh, Nơi sinh, Địa chỉ hiện tại, Số điện thoại, Chồng/Vợ cũcó nhập cư cùng lúc hay qua Mỹ diện gì, nhập cư năm nào? Và bằng chứng nơi ở hiện tại như copy ID (bằng lái xe).

Lưu ý: Nếu có con riêng với bạn gái/trai cũ không có hôn thú, cũng phải khai thông tin của người cũ đó giống như trên.

Hai, người được bảo lãnh (NDBL) tường trìnhthông tin những người chồng/vợ cũ hoặc Cha/Mẹ ruột của các con riêng (nếu có), bao gồm: Họ tên, Ngày tháng năm sinh, Nơi sinh, Địa chỉ hiện tại, Số điện thoại và bằng chứng nơi ở hiện tại như copy CMND, hộ khẩu/ tạm trú.

Trường hợp không cung cấp được giấy tờ nào thì trong tường trình vui lòng giải thích lý do cụ thể.

Ba, NBL cung cấp bằng chứng mua vé máy bay

mua vé bằng thẻ debit hay bằng thẻ Credit card, cung cấp bank statement & credit statement có tên ai là người mua vé. (Nếu không lấy được thì viết thư tường trình giải thích lý do).

Bốn, thêm bằng chứng hôn nhân thuyết phục:

Hình ảnh đi chơi, boarding passes, hóa đơn chi trả chung, hóa đơn/hợp đồng tiệc cưới, bảo hiểm chung, tài sản đứng tên chung, giấy khai báo tạm trú khi NBL về thăm và ở chung nhà với NDBL, giấy gửi tiền, tin nhắn liên lạc.

Năm, NDBL tường trình về bà con họ hàng bên Mỹ:

Liệt kê thông tin từng người: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại và lấy bằng chứng nơi ở hiện tại như copy ID -bằng lái xe (nếu không có hoặc thông tin nào không biết thì viết thư tường trình giải thích là không có)

Sáu, Lý lịch gia đình (Family tree)

NBL và NDBL cung cấp thông tin ba đời trong dòng họ của mình: ông/bà, cha/mẹ, con cái

Bảy, tường trình quá trình quen nhau:

Dựa theo những câu hỏi lãnh sự đưa ra, gợi ý: bạn chia ra từng giai đoạn cụ thể từ khi gặp nhau lần đầu đến quen thân hơn, khi nào thì phát sinh tình cảm và đi đến quyết định kết hôn/đính hôn và bảo lãnh, sau khi qua Mỹ kế hoạch của hai người sẽ như thế nào?

Viết càng chi tiết, rõ ràng càng tốt và tuyệt đối không sao chép từ các mẫu có sẵn vì nhân viên Lãnh sự sẽ phát hiện ngay. Bạn chú ý các mốc sự kiện quan trọng:

Hai người bắt đầu liên lạc với nhau khi nào? phương tiện gì? Quen qua mạng thì ghi cụ thể quen qua trang web nào? Từ thời gian nào?

Hai người thường nói chuyện với nhau về những vấn đề gì? Cảm thấy hợp nhau như thế nào?

Gặp mặt lần đầu tiên ngày nào? Ở đâu? Phát triển tình cảm như thế nào?

Cầu hôn khi nào, ai là người cầu hôn? Cầu hôn ở đâu bằng phương tiện gì ( cầu hôn trực tiếp hay qua điện thoại thư từ) ? Cho biết cụ thể thời gian và địa điểm. Chồng/vợ bạn có đồng ý liền hay yêu cầu cho thời gian để suy nghĩ? Khi nào đồng ý?

Tổ chức lễ đính hôn/ lễ kết hôn khi nào? Ở đâu?Khoảng bao nhiêu người tham dự? Phía gia đình NBL có những ai về Việt Nam tham dự không?  Có đi hưởng tuần trăng mật ở đâu không ? 

Khi NBL quay về Mỹ, hai bạn tiếp tục liên lạc bằng phương tiện gì? Thể hiện sự quan tâm như thế nào?

Liệt kê cụ thể ngày tháng các chuyến NBL về VN từ lúc quen nhau đến nay, mỗi chuyến đi đâu & làm gì, ở đâu.

Tám, tường trình địa chỉ thực tế đang sinh sống: địa chỉ, số điện thoại, email của NBL và NDBL

Đối với bảo lãnh con kế sẽ có một vài thay đổi nhỏ như không có Family tree, không có bằng chứng mua vé máy bay hay tường trình bà con bên Mỹ thay vào đó có hoàn cảnh/lý do người cha/mẹ ruột của đứa con du lịch sang Mỹ và quyết định ở lại hoặc số lần gặp gỡ giữa cha/mẹ kế và đứa con.

Giấy xanh bảo lãnh con kế, trường hợp mẹ ruột sang Mỹ du lịch rồi kết hôn với NBL

Cụ thể 8 mục như sau:

1/ Người bảo lãnh: Cung cấp địa chỉ ở hiện tại của anh/chị, địa chỉ email-nếu có và số phone liên lạc

Liệt kê địa chỉ nơi cư trú trong vòng 10 năm qua. Họ tên và mối quan hệ của những người đã sống chung với anh/chị tại mỗi địa chỉ đó.

2/Cha/mẹ ruột của người được bảo lãnh: Cung cấp địa chỉ ở hiện tại của chị, địa chỉ email-nếu có và số phone liên lạc

Liệt kê địa chỉ nơi cư trú trong vòng 10 năm qua. Họ tên, ngày tháng năm sinh  và mối quan hệ của những người đã sống chung với anh/chị tại mỗi địa chỉ đó.

3/Người bảo lãnh: Cung cấp theo trình tự thời gian của mối quan hệ của anh vs chị, chi tiết như sau: hai người gặp nhau lần đầu khi nào và gặp như thế nào, có thông qua sự giới thiệu của ai hay không? Nếu có thì cung cấp họ tên và mối quan hệ của người giới thiệu. Khi nào bắt đầu bắt đầu liên lạc với nhau. Khi nào có tình cảm thực sự với nhau, ngày và tình huống ngỏ lời cầu hôn-nếu có (thời gian, địa điểm, sự sắp đặt  và hình thức cầu hôn, khi cầu hơn thì người đó có đồng ý liền hay xin thời gian suy nghĩ). Nếu không cầu hôn thì lần đầu tiên anh/ chị chính thức thảo luận với nhau về hôn nhân khi nào. Thông tin càng chi tiết càng tốt.

4/ Cha/mẹ ruột của người được bảo lãnh: Nêu hoàn cảnh sang Mỹ của anh/chị (dự định ban đầu đến Mỹ, tại sao và khi nào quyết định ở lại Mỹ). Thông tin càng chi tiết càng tốt. Thông tin nhập cảnh vào Mỹ (visa đóng mọc), anh/chị đã từng trả lời không đúng sự thật (dưới hình thức ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết) trước mặt viên chức lãnh sự hay nhân viên hải quan hay không?

Liệt kê tất cả các cuộc hôn nhân của anh/chị (ngày kết hôn và ly hôn). Họ tên và ngày tháng năm sinh của tất cả chồng/vợ cũ. Cung cấp bản sao ly hôn/ giấy chứng tử.

5/ Người bảo lãnh: Liệt kê số lần gặp con kế, thời gian và lý do gặp nhau. Chứng minh sự liên hệ qua các phương tiện giữa NBL và con kế bằng chứng thư từ liên lạc, giấy gửi tiền, gửi quà, hình ảnh chat qua viber, skype….v.v).

Gợi ý: Từ lúc quen nhau đến giờ thỉnh thoảng NBL có hay gởi tiền / quà về không? Thể hiện sự quan tâm con như thế nào?

Liệt kê cụ thể ngày tháng các chuyến về VN của NBL? Có về chung với cha/mẹ ruột của đứa con không? Đi đâu chơi? Làm gì? Ở đâu?

6/ Người bảo lãnh: Cung cấp bằng chứng hôn nhân của 2 vợ chồng anh/chị, bao gồm: khai thuế chung, tài khoản ngân hàng chung, bảo hiểm chung, hợp đồng thuê nhà, hóa đơn các loại, hình ảnh chụp chung tại các thời điểm khác nhau, bằng lái xe hoặc các chứng từ khác có tên chung của 2 vợ chồng, v.v. có càng nhiều càng tốt.

7/ Người được bảo lãnh (đứa con kế): Cung cấp bằng chứng là con ruột của vợ/chồng của NBL (bao gồm khai sinh, hình ảnh chụp chung tại các thời gian khác nhau, hộ khẩu có tên chung, học bạ, sổ liên lạc của con, giấy chứng sinh, v.v).

8/ Người bảo lãnh: Nộp bằng chứng hiện đang sống chung với cha/mẹ ruột của con kế, bao gồm: bằng lái xe hoặc các chứng từ khác có tên chung của 2 vợ chồng, tài khoản ngân hàng chung, hóa đơn điện nước, hình ảnh chụp chung tại các thời gian khác nhau, vv.

Hỗ trợ di trú Trinh Lê

Phone VN: 0384360546 (viber hoặc zalo)

Phone US: 909-999-8508

Facebook: https://www.facebook.com/vocal.plus.1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

NEWSLETTER