Bạn thuộc dạng người nước đến chân mới nhảy, hay deadline gần kề mới thức đêm cày cho xong. Đã hàng trăm, hàng nghìn lần bạn nhắc nhở bản thân “đừng trì hoãn” nhưng cuối cùng phát hiện ra mình đã lướt facebook gần 2 giờ đồng hồ, mặc dù mục đích ban đầu là lên mạng tìm dữ liệu cho bài luận. Hậu quả của việc trì hoãn thì không cần bàn thêm: rớt môn vì nộp bài chậm, thức khuya ảnh hưởng sức khỏe và nhan sắc tồi tệ, nguy hiểm hơn khi trì hoãn thành thói quen không chữa được.
Tôi sẽ giúp bạn và đừng trì hoãn đọc hết bài viết này.
Mục lục
- Loại bỏ sự xao nhãng
- Tìm kiếm động lực làm việc
- Nghỉ ngơi
Hãy cùng bắt đầu nào!
- Loại bỏ tác nhân bên ngoài gây xao nhãng
Thiết lập điện thoại di động ở chế độ rung, để thức ăn vặt ra khỏi tầm mắt và tầm với của bạn. Khi bạn thực sự muốn ăn và chấp nhận phải làm thêm một số thao tác mới có được món ăn, cơn thèm khát ban đầu sẽ giảm dần. Ví dụ, tôi cực kỳ thích ngọt. Khi làm việc trên máy tính hoặc xem video bài giảng, tôi muốn nhâm nhi kẹo dẻo; thế là tôi bị phân tâm cho việc chọn kẹo vị nào, màu gì và khi nếm viên kẹo không thích, tôi lại thấy khó chịu. Thành ra, việc đưa tay bốc lấy một viên kẹo cho vào miệng tưởng chừng nhanh chóng nhưng lại kéo theo nhiều hệ lụy và cuối cùng gây mất thời gian của tôi. Dạo gần đây, tôi cho kẹo dẻo vào ngăn đá tủ lạnh. Khi muốn ăn, tôi sẽ phải loay hoay để lấy ra và thường khi lấy ra được thì tôi chẳng buồn động đến.
Một số người cho rằng như vậy là sống khắc khổ.
Vâng, nếu điều khổ sở đó mang lại lợi ích tốt đẹp lâu dài, thì nên hy sinh ham muốn nhất thời.
2. Nên nhớ thứ giúp bạn làm việc là động lực, không phải cảm hứng (Motivation instead of inspiration).
Vì nếu bạn làm việc theo cảm hứng, bạn sẽ viện đủ lý do cho sự trì trệ của mình rằng tôi chưa sẵn sàng, 10 sáng chưa phải lúc để làm bài tập hay trả lời email khách hàng, tôi cần thêm ý tưởng, tôi cần ai đó khích lệ.
Bản thân là một người sáng tạo nội dung, nhưng tôi luôn làm việc theo thời khóa biểu chứ không chọn cảm hứng. Chủ đề gì sẽ được viết và đăng vào hôm nay, tôi đều liệt kê trước. Thứ 2 và thứ 7: Sống khỏe. Thứ 3, 5 và chủ nhật: Đẹp. Thứ 4: Tiền và tài chính. Thứ 6 là kỹ năng làm cha mẹ.
Vì vậy, ý tưởng luôn hình thành trong đầu tôi, và nếu hôm nay là thứ 2 tôi sẽ không phân tâm nghĩ về chủ đề khác ngoài bí quyết sống khỏe. Tuy nhiên, nếu hôm đó chưa hoàn thành bài viết về sống khỏe, tôi bắt buộc bản thân làm bù vào ngày kế tiếp.
Khi làm việc tự do, động lực để tôi vượt qua cám dỗ và có tính kỷ luật là những lời bình luận tích cực, lời cảm ơn và đôi khi góp ý từ phía độc giả.
Nếu ai phản bác, tôi chỉ im lặng và không chống đối. Tôi luôn tra cứu kỹ lưỡng và kiểm duyệt thông tin trước khi đăng bài để đảm bảo tính xác thực của nội dung. Vì vậy, gặp tình huống chỉ trích, tôi sẽ bình tĩnh suy xét lại nội dung mình đã viết, nếu thực sự không vi phạm triết lý sống của tôi, thì sẽ mặc kệ và dựa vào những điều tích cực để tiếp tục.
Nhân đây, tôi khuyến khích các bạn nên có danh sách việc phải làm. Danh sách này ít thôi (3-4 việc). Não bộ của chúng ta luôn tạo ra hàng rào phản kháng với những việc phức tạp và nhiều bước. Vì vậy, bắt đầu từ việc nhỏ, làm như không làm, sẽ đánh lừa bộ não không đưa ra tín hiệu phản kháng, và bạn nhanh chóng hoàn thành việc lớn.
Ngay lúc viết bài này, tôi chỉ có ý tưởng là tiêu đề. Viết được câu đầu tiên, rồi câu thứ hai, thứ ba cho đến hết (quá trình này mất 50 phút).
Lão Tử đã đúc kết “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Tôi tình cờ bắt được ý tưởng này khi mua cuốn sách Phương pháp Kaizen của tiến sĩ Robert Maurer. Quyển sách giới thiệu một kỹ thuật nổi tiếng của người Nhật, đã được áp dụng thành công tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình thay đổi thói quen, thay đổi quy trình làm việc và sản xuất. Tôi mạnh dạn đề cử cuốn sách rất hữu ích này cho các bạn.
3. Nghỉ ngơi.
Vâng, bạn không nhìn nhầm. Nghỉ ngơi là bước cuối cùng trong nỗ lực vượt qua sự trì hoãn.
Bạn biết không? Mỗi ta chúng đang sở hữu một siêu máy tính cực kỳ tinh vi, vớikhoảng 100,000,000,000 nơ-ron, số lượng này gấp 1000 lần số ngôi sao trong thiên hà. Đó chính là bộ não.
Thế nhưng, sử dụng nó như thế nào để hiệu quả tối đa, thì không phải ai cũng biết.
Não bộ có khả năng tập trung khoảng 25 phút và sau đó chuyển sang trạng thái xao nhãng. Nếu bạn đi ngược lại quá trình hoạt động của bộ não, bạn sẽ gánh lấy hậu quả là chẳng việc nào ra hồn.
Hãy áp dụng phương pháp Pomodoro: nghỉ giải lao 5 phút sau mỗi phiên làm việc 25 phút. Đây là cách cực kỳ hiệu quả để bạn nạp thêm năng lượng tích cực.
Lưu ý, bạn phải hoàn toàn thư giãn trong 5 phút chứ không phải dùng thời gian đó lướt facebook hay xem video; vì làm vậy cũng là khiến não bạn phải suy nghĩ.
Tôi thường nghe nhạc không lời, ngắm bể cá cảnh hoặc ngồi yên hít thở.
Chúc mừng bạn, đọc đến đây là bạn đã bước một chân lên trước. Bây giờ chỉ việc bước chân còn lại. Và theo lời của Lão Tử, bạn đã bắt đầu hành trình vạn dặm chỉ bằng một bước chân.
Dễ phải không?!
Hãy tin tôi đi, bạn nhất định thành công.
Bây giờ, bạn đã có ý tưởng cho giờ làm việc tiếp theo của mình chưa?
Tuyết Trinh