Một đứa trẻ được sinh ra bởi cha (là một công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân) với một người mẹ (công dân Việt Nam) khi giữa cha và mẹ không có giấy hôn thú, được gọi là con ngoài giá thú.
Để hồ sơ bảo lãnh con ngoài giá thú được chấp thuận, Sở di trú không chỉ yêu cầu kết quả DNA chứng minh ruột thịt giữa hai cha con mà họ cần thêm nhiều chứng cứ khác để chứng minh:
- sự nhìn nhận của người cha đối với đứa con này trước khi trẻ 18 tuổi
- sự chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm nom ủa người cha đối với đứa con này trước khi trẻ 18 tuổi
- mối liên hệ thân thiết giữa hai cha con
Những bằng chứng có thể là giấy khai sinh của trẻ có tên cha và cha là người đi đăng ký khai sinh, hoặc trong giấy khai sinh ghi rõ người cha nhìn nhận con vào ngày tháng năm nào; giấy gửi tiền từ Mỹ về VN cho mẹ đứa trẻ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ, sổ hộ khẩu có tên hai cha con, sổ liên lạc/học bạ của trẻ có tên cha, hình ảnh cha con chụp chung từ khi đứa trẻ còn nhỏ, email/tin nhắn/thư từ liên lạc giữa hai cha con, lá thư của nhân chứng cam kết biết rõ mối quan hệ giữa hai cha con, kết quả DNA.
Lưu ý: chỉ dựa vào mỗi kết quả DNA, mà quý vị không có các chứng cứ khác chứng minh sự nhìn nhận hoặc nuôi dưỡng đứa trẻ trước khi 18 tuổi hoặc có chứng cứ nuôi dưỡng SAU KHI con đã trưởng thành trên 18 tuổi, thì cũng có thể bị từ chối hồ sơ.
Lấy ví dụ:
Năm 1997, một người đàn ông qua lại với một người phụ nữ (không có hôn thú) và sau đó mấy tháng anh đi theo gia đình định cư ở Mỹ. Khi đi, anh không hề biết người bạn gái đã mang thai đứa con của anh. Người bạn gái sinh con, nuôi con một mình và cũng không liên lạc với bạn trai để thông báo về sự tồn tại của đứa nhỏ. Đến khi đứa con 20 tuổi thì người mẹ bị bệnh sắp chết, lúc này mới tìm cách liên lạc với người cha bên Mỹ để cho biết về sự hiện diện của đứa trẻ và mong cha con nhìn nhận nhau.
Nếu người cha nộp hồ sơ bảo lãnh thì khả năng cao bị từ chối vì chỉ có mỗi kết quả DNA chứng minh quan hệ cha con ruột; ngoài ra không có một chứng cứ nhìn nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ TRƯỚC KHI con 18 tuổi.
Ngược lại, một người đàn ông đã có vợ (có giấy hôn thú) và ba cô con gái với người vợ này, nhưng vì muốn có con trai nên lén lút qua lại với một người phụ nữ khác (không làm hôn thú) và sinh được một đứa con trai. Ba năm sau khi đứa con trai được sinh ra thì người đàn ông cùng với vợ và 3 cô con gái đi Mỹ định cư. Trong thời gian ở Mỹ, anh vẫn gọi điện thăm hỏi đứa con trai và mẹ ruột của đứa trẻ, gửi tiền/quà tặng mỗi tháng để nuôi con trai, thỉnh thoảng anh về VN thăm con trai và chụp hình ảnh chung. Thậm chí, quãng thời gian cậu con trai chưa được 3 tuổi (lúc anh này vẫn còn ở VN) thì hay qua lại nhà bạn gái thăm con và có người làm chứng.
Nếu người cha nộp hồ sơ bảo lãnh người con trai này thì phần trăm cao được chấp thuận vì chứng cứ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ rất rõ ràng, đầy đủ.
Kết luận: một hồ sơ cha bảo lãnh con ngoài giá thú hoặc đứa con ngoài giá thú bảo lãnh cha, cần tập hợp tất cả những chứng cứ nhìn nhận cha-con, chăm sóc, nuôi dưỡng, liên hệ gần gũi giữa hai cha con để được Sở di trú chấp thuận.