Bài viết này tập trung vào chỉ dẫn cách nộp đơn xin chuyển thẻ xanh 2 năm sang 10 năm thông qua diện hôn nhân, khi mà hôn nhân của quý vị xảy ra những vấn đề như ly dị, người bảo lãnh chết hoặc quý vị bị bạo hành.
1.Trường hợp nào tôi có thể nộp đơn I-751 một mình mà không cần người vợ/chồng (người bảo lãnh) đứng đơn chung?
- Người bảo lãnh chết
- Người bảo lãnh và quý vị ly dị
- Quý vị trực tiếp bị người bảo lãnh bạo hành
- Quý vị là con cái của người thường trú nhân đang có thẻ xanh 2 năm và người cha hoặc mẹ của quý vị bị bạo hành
- Quý vị trên 18 tuổi, là con cái của người thường trú nhân đang có thẻ xanh 2 năm và quý vị trực tiếp bị người cha/mẹ kế bạo hành
2. Thủ tục, giấy tờ cần nộp
Quý vị có thể tự nộp đơn I-751 một mình ngay khi sự việc (người bảo lãnh cho quý vị chết, quý vị ly dị với người bảo lãnh và đã có quyết định ly dị, bị bạo hành) xảy ra và không cần đợi đến trước 90 ngày thẻ xanh 2 năm của quý vị hết hạn.
Ví dụ: Thẻ xanh 2 năm của quý vị cấp ngày 21 tháng 12 năm 2020 và hết hạn vào ngày 20 tháng 12, năm 2022. Đến ngày 21 tháng 6 năm 2021, quý vị ly dị người bảo lãnh và có quyết định ly dị từ tòa, thì ngay sau đó, quý vị có thể nộp đơn I-751 một mình, thay vì phải đợi đến tháng 9/2022 mới nộp đơn.
Tương tự cho tình huống, người vợ/chồng của quý vị mất trong thời gian thẻ xanh 2 năm của quý vị còn thời hạn.
Quy định nộp đơn I-751 trước 90 ngày thẻ xanh 2 năm hết hạn áp dụng với tình huống quý vị và người bảo lãnh đứng chung đơn
Tôi cần nộp những giấy tờ gì?
- Bằng chứng quý vị kết hôn thật chứ không vì mục đích lấy thẻ xanh, bao gồm: khai sinh con chung, hợp đồng thuê nhà đứng tên chung, tài khoản ngân hàng (tiết kiệm, thanh toán) chung, khai thuế chung, hợp đồng bảo hiểm, các hóa đơn trả tiền sinh hoạt, các khoản vay nợ đứng tên chung, thư xác nhận từ các nhân chứng cho cuộc hôn nhân của quý vị, hình ảnh chụp chung, vv
- Bằng chứng xác nhận sự hợp pháp của cuộc hôn nhân và hôn nhân này đã kết thúc, bao gồm: giấy kết hôn, giấy chứng tử (nếu người chồng/vợ mất), giấy ly dị
- Thẻ xanh 2 năm
- Bằng chứng bị bạo hành về thể xác, hoặc tinh thần hoặc cả hai
- Bằng chứng xoay quanh lý do ly hôn của quý vị
3. Tôi có phỏng vấn hay không?
Có hoặc không.
Đa số những hồ sơ nộp I-751 một mình thì sẽ được phỏng vấn tại văn phòng di trú ở địa phương. Một số trường hợp không phỏng vấn và cấp thẻ xanh 10 năm vì bằng chứng đã nộp quá rõ ràng và mối quan hệ thuyết phục sở di trú (ví dụ cuộc hôn nhân có những đứa con chung)
4. Hồ sơ bị từ chối thì thế nào?
Sở di trú sẽ gửi thông báo từ chối kèm theo những lý do cụ thể. Quý vị cần nắm rõ những điểm nào, chi tiết nào trong hồ sơ mà Sở di trú không tin để khi quý vị kháng cáo lại quyết định từ chối hoặc nộp lại bộ hồ sơ mới, sẽ khắc phục những chi tiết đó.
Quý vị có thể kết hôn với một người khác và tiến hành quy trình xin lại thẻ xanh 2 năm với người này. Tất nhiên, các cuộc hôn nhân của quý vị đều phải được chứng minh là thật với sở di trú, chứ không nhằm mục đích lấy thẻ xanh.
5. Nếu trong thời gian thẻ xanh 2 năm còn hạn mà tôi ly dị với người bảo lãnh thì phải làm sao?
Ngoài giấy ly dị và những chứng cứ xác nhận cuộc hôn nhân của quý vị là thật, không vì mục đích lấy thẻ xanh; quý vị cần nộp một bản tường trình chi tiết lý do ly hôn của mình. Nếu sở di trú phát hiện việc ly hôn là do lỗi của quý vị (chẳng hạn, quý vị ngoại tình hoặc tự quý vị bỏ rơi người vợ/chồng) thì hồ sơ I-751 có thể bị từ chối.
6. Nếu trong thời gian thẻ xanh 2 năm còn hạn mà tôi xảy ra lục đục với người bảo lãnh nhưng chúng tôi chưa ly dị hoặc người bảo lãnh từ chối ký đơn I-751 chung với tôi thì phải làm sao?
Hôn nhân không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhất là thời đại ngày nay, khi con người được tự do về vật chất và tinh thần hơn thời kỳ trước và sức nhẫn nại chịu đựng cũng không như những người ở thế hệ trước thì chuyện mâu thuẫn giữa hai vợ chồng sau một thời gian ngắn chung sống với nhau là điều dễ hiểu.
Trước hết, quý vị cần tỉnh táo nhìn nhận cuộc hôn nhân này đã bắt đầu từ tình yêu chân thật của hai người như thế nào. Quý vị đã nói chuyện thẳng thắn với người vợ/chồng để giải tỏa những bất đồng hay chưa. Cả hai đã nỗ lực hàn gắn rạn nứt hay chưa, chẳng hạn quý vị tìm đến cố vấn hôn nhân gia đình (marriage counselor) hoặc bác sỹ tâm lý.
Nguyên nhân rạn nứt là do lỗi của quý vị hay do người vợ/chồng (ví dụ người đó bỏ đi không một lời từ biệt, người đó ngoại tình, người đó đi tù) hay cả hai đều không có lỗi mà vì hai người bất đồng quan điểm, ý kiến trong việc nuôi dạy con cái, chọn nơi sinh sống và những bất đồng khác
Tất cả những việc quý vị đã làm để hàn gắn cuộc hôn nhân này nên có bằng chứng chứng minh. Ví dụ: thư từ vị cố vấn hôn nhân, những email liên lạc hoặc tin nhắn giữ hai vợ chồng khi làm việc với bác sỹ tâm lý,vv
7. Nếu tôi xảy ra lục đục và ly thân với người bảo lãnh hoặc tôi ly dị sau khi đã nộp đơn I-751 đứng tên chung với người bảo lãnh thì phải làm sao?
Có 2 tình huống xảy ra:
Một, quý vị nhận được phán quyết ly hôn từ tòa trước khi cuộc phỏng vấn của quý vị được sắp đặt hoặc trước khi Sở di trú gửi yêu cầu thêm bằng chứng (Request for evidence). Tình huống này khá đơn giản, quý vị sẽ gửi ly dị và bằng chứng xoay quanh lý do ly dị để phản hồi lại Request for evidence từ Sở di trú hoặc quý vị nộp những chứng cứ đó vào ngày phỏng vấn.
Hai, quý vị đã nộp đơn xin ly hôn nhưng tòa chưa giải quyết và khả năng thủ tục ly dị còn kéo dài vì hai vợ chồng xảy ra tranh chấp tài sản chẳng hạn, hoặc quý vị còn đang cố gắng hòa giải với người vợ/chồng nhưng khả năng sẽ không thành công và kéo dài hoặc quý vị đã nộp đơn I-751 một thời gian lâu và khả năng sắp có cuộc phỏng vấn mà hôn nhân lục đục không thể cứu vãn được thì quý vị phải nộp lại một đơn I-751 mới (đơn này chỉ có chữ ký của quý vị) càng sớm càng tốt kèm theo giải trình lý do cuộc hôn nhân này đang có vấn đề hoặc sẽ chấm dứt trong thời gian tới và những bằng chứng hỗ trợ cho lý do đó.
Vì nếu quý vị không nộp lại đơn I-751 mới và quý vị được mời phỏng vấn theo hồ sơ I-751 cũ khi CHƯA KỊP có giấy ly hôn thì Sở di trú bắt buộc người chồng/vợ phải đi phỏng vấn chung với quý vị
Nếu cần hỗ trợ cho trường hợp của quý vị, hãy liên hệ chúng tôi
Hỗ trợ di trú Trinh Lê
Phone VN: 0384360546 (viber hoặc zalo)
Phone US: 909-999-8508
Facebook: https://www.facebook.com/vocal.plus.1